Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

BÁNH KHÚC RAO ĐÊM

Những đêm đông giá rét, nằm trong nhà kín, chăn đệm ấm hôi hổi, con gái vẫn đòi nằm chung với bố.
- Mày toàn đạp tao, gác chân lên cổ bố , rồi xoay ngang xoay dọc dồn bố ra mép giường.
- Đâu có, con có biết đâu.
- Ngủ say lừ, có khiêng mày quẳng xuống đất cũng không biết. Phắn ra giường mày đi.
- Ấy không đâu, con xin bố mà, cho con nằm ké.
- Sao mọi khi nằm một mình được.
- Hồi này con nằm một mình sợ lắm.
- Sợ gì , ma à ?
- Không. Con sợ tiếng rao đêm. Cứ nửa đêm về sáng 1-2 giờ gì ấy, có tiếng ông rao " bánh khúc ơ".
- Rao bánh khúc thì có gì mà sợ.
- Bố ơi. Tiếng rao nghe buồn lắm. Giữa đêm khuya rét mướt như thế, ngoài đường chắc chẳng có ai, chỉ một mình ông ấy lủi thủi đi bán bánh khúc. Con nghe thấy buồn , rơi nước mắt , rồi đâm sợ. Cứ cái giờ ấy con lại giật mình thức giấc nghe tiếng rao đêm. Con sợ tiếng rao, con sợ bánh khúc. Sao khuya khoắt thế mà ông ấy lại phải đi bán bánh, có ai mua bánh cho ông ấy không.
Con gái rồi cũng ngủ khì. Còn mình nằm nghĩ lẩn thẩn. Bánh khúc thì ngon kiểu quà quê mộc mạc, chân chất, vừa xôi vừa bánh với mùi lá khúc không đâu có được. Giữa thời buổi hiện đại này, bánh khúc vẫn là thứ quà ít ỏi còn sót lại đây đó  vỉa hè. Bánh khúc không bán trong siêu thị. Bánh khúc không cô Kếu tân thời bọc giấy bóng đóng hộp như bánh cốm, không bao bì giấy thiếc đóng hộp nửa hiện đại như bánh đậu xanh. Bánh khúc còn chân quê nhưng nghe nói cũng bị lai thói thị thành khi không còn nhiều lá khúc, người ta thay lá cúc tần gì đó ( mình cũng chẳng rành chẳng biết ).
Giữa những chocolate, chewing gum, kẹo dẻo kẹo cứng, bánh qui, bánh snack các loại xâm lược Vina kẹo bánh, bánh khúc thui thủi tủi thân mà vẫn sống lay lắt lang thang với người bình dân Việt. Vẫn còn có trẻ con biết bánh khúc xôi khúc là phúc tổ lắm rồi. Nhưng làm sao mà nói cho trẻ hiểu. Từ xa xưa, khi bố  còn trẻ con như nó cũng đã nghe tiếng rao đêm "bánh khúc đê" heo hút dọc dài phố vắng Hà Nội suốt những đêm đông. Chắc cũng là ông là bố của cái ông bánh khúc thời @ này. Cũng thân phận một đời người, một gia cảnh nào đó trôi mãi một dòng riêng. Mà cái dòng riêng, lạch riêng ấy mới bền bỉ ,cần mẫn , nhẫn chịu làm sao khi phố phường con người đổi thay chóng mặt quay cuồng, mà, cái tiếng rao khuya bánh khúc vẫn thế , chẳng hề suy suyển.
- Bánh khúc đê.ê..ê..eeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeee
Lại chợt não nùng và hoang vắng cất lên. Buồn. Cô đơn. Thảng thốt. Cam chịu. Cứ lê thê mãi như đêm dài chưa sáng.
Con gái lại giật mình, đôi mắt tròn tỉnh thức không chút ngái ngủ. Nằm im không nói , lắng nghe, cựa quậy một cái gì mơ hồ, chỉ từ từ về lại giấc dở khi tiếng rao xa dần xa dần, rồi, im lặng của đêm.

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

ĐI ĐỔ RÁC

Mưa xuân 9 giờ tối, nhìn ngang trời thì đẹp rũ rượi một tấm mưa giăng giăng mờ mờ như là romantic. Mà nhìn xuống đất thì nhèm nhẹp bẩn tưởi nhớp nháp ghê ghê. Nhưng đấy là giờ đổ rác. Khỏi cổng ngõ, nhìn quanh thấy la liệt vỉa hè, rãnh nước đầy những túi nylon quăng bừa bãi. Sang qua bên kia đường, cái xe rác quen thuộc đứng chịu mưa lẻ loi. Khi vừa đổ xong rác vào xe, chợt nghe thoảng qua một giọng nói nhẹ như ai đó đang nói với mình trong nhà ấm áp.
-  Cháu biết ở phố này chỉ có bác đổ rác vào  cho cháu, với lại ở phố bên N.H.T cũng có một bác như thế.
-  Vâng, tôi cũng quen  rồi, cũng tiện thôi mà , cho nó sạch chị ạ.
-  Nhưng nhiều người họ vô ý lắm, cháu vừa quét sạch xong họ lại đổ ngay ra đường. Mà  ở khu nhà bác có một anh gì cũng đổ rác vào tận xe cho cháu, chắc cũng người nhà bác nhỉ.
 Có một chuyện tôi định nói với chị ấy nhưng lại thôi.
Chuyện thế này, cái anh gì đấy là thằng anh đèo con em đi xe máy trên đường, khi ngang qua một chị đang đẩy cái xe rác , con em vất cái hộp sữa  uống hết vào xe. Nó cũng đã có ý khi uống hết cầm cái  vỏ hộp đợi chỗ có thùng rác để vất, nay tiện có cái xe. Thằng anh mắng đồ vô học vất rác thế à, người ta cũng là người chứ, sao không bảo tao dừng hẳn xe lại , xuống tận nơi mà bỏ vào xe rác chứ.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

MẸ ƠI

Vừa rồi, ngày 8.3. mọi người đều có làm một cái gì đấy cho phụ nữ. Con thì chẳng làm gì. Con vốn không thích các thứ "chào mừng", "nhân dịp"nên cũng chả băn khoăn gì lắm. Nhưng cũng nghĩ chứ. Để lắng lại hôm nay mới viết cho mẹ cho mình.
Hình ảnh cuối cùng và duy nhất đọng lại trong con khi nhớ đến mẹ là bóng dáng tất bật bồn chồn không dấu được nước mắt nên nỗi mẹ trốn con khi tàu chuyển bánh để khỏi đau lòng mẹ lúc đó, và để hôm nay sau 55 năm con mới thấm được cái đau của con. Khi ấy mới 7 tuổi con khờ dại quá, chỉ háo hức đi xa theo những cái gì chưa biết khuất phía chân trời. Con đâu biết giờ phút ấy là chia tay mãi mãi. Đau đớn hơn , chỉ 6 năm sau , mẹ không chỉ xa con mà xa ba xa các em và mọi người mãi mãi. Rồi chiến tranh lưu lạc, 25 năm sau con mới được tự tay nấu cơm giỗ mẹ. Rồi 35 năm sau con mới lại biêt chia tay lần ấy con không chỉ mãi xa mẹ mà cũng mãi mãi xa ba. May mà con cũng thành người bình thường và tử tế. Nhưng những đứa trẻ mồ côi không bao giờ lành vết thương thiếu mẹ. Nó có thể lớn lên nhưng nó chịu tật nguyền trong tâm hồn. Kín đáo lắm, ít ai hiểu. Mặc cảm khi nhìn bạn cùng lứa vui đùa, làm nũng, vòi vĩnh mẹ, còn mình từ 7 tuổi đã là đứa trẻ chỉ được phán xét đúng sai theo lẽ đời, không bao giờ được mẹ xí xóa cho " tội lỗi "của  trẻ con như ngủ quên dậy muộn. Tâm hồn con khô cằn, đanh lại quánh lại để chống chọi với đời, một tuổi thơ không hoa lá không tiếng chim kêu. Lớn khôn một tý vẫn không thoát khỏi mặc cảm đơn côi, cô độc. Đến tuổi yêu đường thành ra vừa khao khát được yêu lại vừa bản năng tự vệ phòng thân hồ nghi không dám tin vào một người con gái nào đó. Tật nguyền là ở chỗ đó. Giờ đây, khi con cũng đã có con, đủ cả trai gái, nhưng chưa khi nào con nói lại được với các cháu nỗi đau tật nguyền của mình. Mà cũng không định nói với ai. Nói làm gì. Chỉ biết thân phận nó như vậy, cái tật nguyền mồ côi nó làm con thành thằng người như bây giờ mà không thành ông nọ ông kia vinh vang được. Có mồ côi mẹ mới da diết yêu thương mẹ, mẹ của tôi và mẹ Việt Nam.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

VIỆT NAM : HỌC ĂN HỌC NÓI HỌC GÓI HỌC MỞ

Gene ăn uống VN được xác định có từ thời ông anh Hùng thứ 6 khi cái tiêu chí chọn người kinh bang tế thế được iêu tiên lựa chọn thằng nào làm món ăn giỏi.

Cái ham ăn được triết lí vụn thành 1 minh triết : bánh chưng = vuông = đất = mẹ; bánh dầy = tròn = trời = anh bô.

Trải 1000 năm bắc thuộc, 100 năm Pháp thuộc, còn lại xx năm Ta thuộc; minh triết ăn biến báo khôn lường thành ra cái món lẩu thập cẩm và phở…Kobe.

Các món ăn tinh thần thì có Tiên Lãng không phải thuốc lào và VN’s got talent, không kể các món quà vặt “ăn” hàng ngày trên Internet.

Duy nhất trong ngôn ngữ thế giới , tiếng Việt tha hồ ghép chữ ăn vào bất cứ từ nào như 1 thứ tiền tố để làm phong phú cực tiếng Việt. Đố ông bà thông ngôn nào dịch ra tiếng nước ngoài được các cái ăn kiểu ăn thua, ăn nằm, ăn xi-măng sắt thép..

Nếu có cái gì tự hào truyền thống dân tộc, đậm đà bản sắc dân tộc…thì cái đó chỉ nhõn 1 cái là món ăn.

- Người Việt khoe được cái gì  với thiên hạ ?

- Món ăn : phở, nem rán.

- Người Việt nhất trí được với nhau cái gì ?

- Món ăn : Việt cộng, quốc gia, hải ngoại, dân chủ gì gì…đều nhất trí rau muống luộc, canh chua, nước mắm…sau khi đã sâm banh sữa bò, pizza, hotdog, sushi, ca la thầu, trứng cá muối..chán chê sót ruột.

Cái gene ăn này oái oăm lại là gene trội nên sau khi  mất công ra nước ngoài tìm đường cứu nước cứu nhà, làm dâu làm rể liên hợp quốc, WTO, WHO, UNESCO, IMF, FIFA..gì gì thì cái máu tham ăn nó vưỡn trội lên để VN vẫn là VN mít .

 Chẳng hòa nhập được với ai cả.

Đã không hòa nhập với thiên hạ, cái dân mình lại cũng ăn bớt với tổ tiên nhà Hùng nên lại càng không khá được. Này nhé, thời nay trong giỗ tết , trên ban thờ chỉ còn thấy mỗi cái bánh chưng xanh, anh bô bánh dầy mất tiêu không rõ tông tích từ bao giờ.

 Suy ra dân mình quan mình giờ chỉ thờ mỗi ĐẤT, chẳng thờ chẳng sợ TRỜI.

 Thế nên mới âm thịnh dương suy, chỉ thấy bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á, chỉ thấy VN nhăm nhăm thi hoa hậu người đẹp, girl lady woman hot các kiểu. Đến nỗi ra đường thấy nhiều thằng chán chả làm đàn ông đàn ang nữa, tuyền chuyển sang làm gái , hoặc chí ít làm 50 % gái cho nó nở mày nở mặt, cho nó sướng cái thân.

Vậy nên, VN muốn tiến bước cùng 5 châu, trước tiên là phải suy ngẫm lại ngay từ cái minh triết ăn, rồi tái cấu trúc ăn, rồi chỉnh đốn ăn, rồi cải cách ăn, công nghiệp hóa hiện đại hóa ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa ăn…Tóm lại, phải học ăn học nói học gói học mở cho thuộc cho thuần mới mong thành người lớn được.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

RA MÀ XEM HỒ GƯƠM ĐI TRÚ ĐÔNG

Tháp rùa bị đội bà đầm xòe nữ thần công lí

Tự nhiên nghe Phú Quang " tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông " thấy cũng thương  Bờ Hồ thật. Cũng vì năm nay rét quá thể, rét lê thê, rét thôi rồi. Dưng thực tình Bờ Hồ vưỡn cho bà con đi dạo đi tập thể dục. Xích-lô lọng vàng, xe điện du lịch vưỡn thũng thẵng cõng khách nghêu ngao nghía cảnh. Kiểu gì thì Bờ Hồ vẫn là Bờ Hồ. Bao nhiêu thằng vô duyên cố mài Bờ Hồ ra ăn cũng đã không thọ. Có một tấm ảnh đời tây , thực dân nó thượng bà đầm xòe tượng nữ thần công lí ngự lên nóc Tháp Rùa rồi cũng phải tự hạ xuống  rồi đày bà ấy ra vườn hoa chợ Cửa Nam. Rồi thời thị trường, mấy đại gia định ăn không ăn hỏng Hồ Gươm xanh cho các khách sạn building hàm cá mập đều bị dân tình ném đá tơi tả. Hà Nội qui hoạch thì rõ là hỏng to, còn mỗi Hà Nội Bờ Hồ Hoàn Kiếm  là tài sản của cả nước. Nhà mình nghèo không được chung cư cao cấp, vẫn phố nhỏ nội đô nhưng mình luôn luôn cao giọng với thiên hạ khi bảo nhà tao cách Tháp Rùa 1 km. Tự hào chính đáng chứ, khi ông tây bà đầm đi nửa vòng quả đất để được nghé qua cái bát nước rau muống luộc giữa lòng HN, mà lại nghĩ cũng thương một bà má miệt vườn nào đó ao ước cả đời ra thăm Hồ Gươm mà chưa có đủ tiền tàu "thấp tốc ". Nghĩ ghen với thị trưởng HN khi ngày nào ông í cũng ngồi trong ủy ban nhìn thẳng ra Tháp Rùa mà làm việc, vừa làm vừa tự sướng trong lòng. Hẳn ông í phải lo cho mong cho ước cho làm cho cụ bà rùa thì trường thọ muôn năm và Hồ Gươm đẹp hồn nhiên như cô tiên mãi mãi.
Ấy thế mà sau những cái bó lại vỉa hè, lát đá vỉa hè hơi bị lố và lỗ, tết này và cho đến tận hôm nay, Bờ Hồ lại bị make up rất quê. Ấy là nói cái kiểu trang trí đèn đóm quanh hồ. Hồi trước, Công ty chiếu sáng đô thị có vẻ biết cách chiếu sáng làm đẹp thủ đô. Thời nay cứ tưởng có tiền hơn, các thiết bị chiếu sáng hiện đại hại điện hơn thì phải đẹp hơn. Hóa ra cái tiền mua bán dây điện bóng điện nó ăn dầy quá, chắc chả còn đồng nào thù lao cho ý tưởng sáng tác thiết kế ánh sáng. Hay cái dự án chiếu sáng này được bôi trơn bằng mỡ lợn . Cũng chả biết đâu mà lần.
Chỉ biết, được buổi tối dạo quanh Bờ Hồ, tự nhiên thấy ngượng vì cứ tưởng lọt vào cái quán karaoke phố huyện . Chao ôi, các ngọn đèn xanh đỏ vàng tím tù mù mờ mờ kệch cỡm . Nói cho ngay, một thứ ánh sáng trụy lạc. Một thứ ô nhiễm ánh sáng trầm trọng. Một thứ chiếu sáng ca-ve bia ôm,  một thứ ánh sáng ma quái kinh dị không thể nào xấu hơn được nữa. Xấu đến mức chán chả buồn nói.
Nhưng cũng phải nói cho ngay một câu để tỏ rõ quân tử lập ngôn rằng thì là mà : hãy nói cho tôi biết bạn trang trí ánh sáng kiểu gì tôi sẽ nói bạn là người như thế nào.
Nên mới bảo muốn mang Hồ Gươm đi trú..cả xuân hạ thu đông cho nó khỏi bị ô nhiễm.
P/S : sao không vào mà học Hội An những đêm rằm không dùng đèn điện, học Sài Gòn chiếu sáng mạn Đồng khởi, Nguyễn Huệ.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

MÙA XUÂN DU LỊCH...BỊCH

“ Mùa xuân nói với em câu gì …. “. Tháng giêng là tháng ăn chơi. Cúng quanh năm không bằng rằm tháng giêng. Rồi hôm 14.2 lại va-len-tai. Trời rét-mưa-mưa xuân-ẩm. Trên phố vẫn thấp thoáng những cành đào.
Đúng là cuộc đời vưỡn đẹp sao. Còn tình yêu hơi bị nghi nghi có còn đẹp sao. Lũ lượt các cô râu chú dể bưng nhau nhà hat nhớn chụp album đám cưới. Lăm lay tuyền dững váy dài phấn hồng. Rồi tuần trăng mật thưởng ngoạn xuân tình và phong cảnh đất nước rổn rang mùa lễ hội. Tây tàu du khách ngơ ngơ cố mà ngắm mà hiểu, không hiểu ngay thì ca-mê-ra về nhà mà hiểu.
Cái nước mình nó thế ngay cả trong du lịch. Ai muốn hiểu muốn bảo sao cũng đúng rồi như.
Người đẹp đại sứ du lịch Lờ Nhờ Cờ quảng bá cho du lịch VN 2012 nguyên một bộ 10,5 tỷ nữ trang kèm váy triệu rưởi tiền Mỹ. Đúng là đầy tiềm năng du lịch. Dưng mà không còn vẻ đẹp tiềm ẩn ( như slogan nói ) mà đã tô hô tê hê ra rồi. Hôm qua lại quê hương “xin bánh xà-phòng” mở sân khấu lùng tùng xòe chào hàng hát xoan. Nước mình hay thật vui thật. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, đường ra trận mùa này còn đẹp lắm. Mùa xuân này ngày hội đẹp lắm là tất-dĩ-ngẫu nhiên.
Chào buổi sáng hôm nay cô lái đò du lịch Tràng An nói như chính khách kiêm nhà kinh tế bẩu rằng làm việc cho “ công nghiệp không ống khói “ được 3- 4 triệu/ tháng. Nông dân Ninh Bình ăn gạo nhà giồng được thêm được 3-4 triệu là phấn khỉ rồi.
Thế mà cứ nghe bọn phản động thù dai kể xấu em-xi Kiều Trinh. Em í dẫn chuyện hay thế còn gì, còn cái kia là tiền sử bị bệnh tâm thần ăn cắp vặt có 2 lần thôi; phải khỏi rồi mới cho chường mặt lên ti-vi chứ. Còn khi nào tái phát lại chữa lại khỏi lại lên.
Ông Nguyễn Sự Hội An thì lại làm ngược, Nguyên Ngọc bẩu Sự ra thách mụ chanh chua nhất chợ ra chửi thi . Ai lại chủ tịch đi thi chởi , ấy thế mà ông í bảo được dân giữ được phố cổ làm được du lịch tốt nhất cả nước.
Du lịch nước mình cứ mảng sáng mảng tối mảng nhờ nhờ như tranh trừu tượng vẽ dở, ai muốn hiểu sao cảm sao cũng được đã chết ai. Chuyện này đã có Tổng cục du lịch lo, không cần trí thức phản biện nhá. Cần nữa thì thêm cảnh sát du lịch( ? ). Còn toàn thể dân ta ai có tiền chơi nhiều , ai ít tiền chơi ít, cứ phải tự sướng cho mình, còn cái rác rưởi thải ra cho túi nylon ném qua cửa sổ ( tâm hồn ) rơi cái ..bịch.
P/S : Từ điển anhTanham định nghĩa : du lịch bịch là :
 du = đi, du cũng = du côn du kề, du = du di làm kiểu gì cũng được. Lịch = lịch lãm thưởng ngoạn , lịch = trải qua lịch sử, lịch = cũng dùng để bóc . Bịch = túi nylon đã đựng cái gì trong đó rồi, người thì đựng tiền kẻ đựng rác.

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

KÍNH CÁO CÙNG BẠN ĐỌC

Sau một thời gian nghỉ dưỡng thương do các vết thường lòng + mề + tim gan phèo phổi, Blogger anh Tan ham đã được phục hồi nhân phẩm ngoại...trại ( giống như ngoại viện ý ) nên đã tái xuất giang hồ. Xin trân trọng kính báo và cực kì cảm ơn các bạn đọc vưỡn vào trang ATH  trong thời gian không có entry nào. Rất mong nghe được những lời chỉ giáo của quí độc giả.